Thẩm mỹ nội khoa là gì? Các phương pháp thẩm mỹ nội khoa

Các phương pháp thẩm mỹ nội khoa

Nếu như trước đây, muốn có sắc vóc đẹp chỉ có cách phẫu thuật thì ngày nay, thẩm mỹ nội khoa vẫn có thể can thiệp được, mang lại vẻ đẹp tự nhiên, ít rủi ro. Vậy thẩm mỹ nội khoa là gì? Phương pháp nào đang được ưa chuộng nhất hiện nay? Cùng chuyên gia từ BEMED làm rõ trong bài viết dưới đây. 

Thẩm mỹ nội khoa là gì? Ưu và nhược điểm

Thẩm mỹ nội khoa có thể giúp duy trì nét đẹp tự nhiên mà không mất nhiều thời gian, không cần thời gian nghỉ dưỡng và đạt hiệu quả cao. Dưới đây là những gì bạn cần biết về thẩm mỹ nội khoa: 

Khái niệm

Thẩm mỹ nội khoa là phương pháp cải thiện sắc vóc tự nhiên cho con người mà không cần phẫu thuật. Bắt nguồn từ cách làm đẹp của phụ nữ xưa, thẩm mỹ nội khoa ra đời, ngày càng được nhiều người lựa chọn. Thay vì tác động dao kéo, phương pháp này ứng dụng công nghệ làm đẹp ít xâm lấn như sóng siêu âm, chùm ánh sáng, hóa dược phẩm.

Các bác sĩ da liễu và chuyên gia thẩm mỹ trên toàn thế giới đã kiểm chứng về hiệu quả và độ an toàn của phương pháp này trong một thời gian dài. Chính vì rất hiếm hoặc thậm chí không cần xâm lấn nên thẩm mỹ nội khoa ngày càng được các tín đồ làm đẹp ưa chuộng. 

Không chỉ an toàn và đạt hiệu quả tương đương với phương pháp thẩm mỹ truyền thống, thẩm mỹ nội khoa còn được đánh giá cao vì khả năng duy trì kết quả. Sau một thời gian, nếu không tiếp tục duy trì, tình trạng sẽ không trở lại như ban đầu mà chỉ về lại trạng thái lão hóa da tự nhiên. 

Thẩm mỹ nội khoa – Ưu và nhược điểm

Bất cứ phương pháp nào cũng có điểm sáng và hạn chế cần lưu ý. Để có cái nhìn đa chiều về phương pháp này, bạn cần nắm được các ưu và nhược điểm của thẩm mỹ nội khoa như: 

Ưu điểm

  • Sử dụng các công nghệ, kỹ thuật hiện đại để làm thay đổi vẻ ngoài, đảm bảo sự an toàn và mang lại hiệu quả cao.
  • Thời gian điều trị nhanh, dễ dàng tinh chỉnh kết quả.
  • Không gây mê; không cần thời gian nghỉ dưỡng, không ảnh hưởng đến các hoạt động và sinh hoạt hằng ngày.
  • Không gây đau rát khi điều trị.
  • Không biến chứng, không để lại sẹo, hiệu quả được cải thiện theo thời gian. 

Nhược điểm

  • Kết quả không thể hoàn hảo tuyệt đối như “đập đi xây lại” so với phẫu thuật thẩm mỹ. 
  • Hiệu quả không duy trì vĩnh viễn.
  • Mỗi vùng điều trị cần sử dụng phương pháp và công nghệ khác nhau, phù hợp với tình trạng da.
  • Cần trang bị thiết bị công nghệ cao với chi phí đầu tư lớn. 
Ưu & Khuyết điểm của thẩm mỹ nội khoa
Hình 1: Ưu và khuyết điểm của thẩm mỹ nội khoa

Có thể thấy, điểm vượt trội của thẩm mỹ nội khoa là sự đảm bảo về an toàn cho người làm đẹp. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà phương pháp này trở thành quan tâm hàng đầu trong ngành thẩm mỹ trong những năm gần đây. 

>> Bạn có thể quan tâm: Nên chọn thẩm mỹ nội khoa hay thẩm mỹ ngoại khoa? 

Các phương pháp thẩm mỹ nội khoa

Công nghệ ngày càng phát triển, ngày càng có nhiều kỹ thuật thẩm mỹ nội khoa mang lại hiệu quả cao, đáp ứng nhiều vấn đề về sắc vóc của con người. Dưới đây là 8 phương pháp bạn cần biết khi nói đến thẩm mỹ nội khoa: 

Công nghệ Laser

Laser – Light Amplification by Stimulated Emission of Radiation – nghĩa là khuếch đại bằng bức xạ cưỡng bức. Trong da liễu, laser sử dụng các chùm ánh sáng cường độ cao để nhắm mục tiêu và điều trị các vấn đề cụ thể về da như: điều trị mụn trứng cá; xóa sẹo; xóa nhăn; tẩy lông; điều trị bệnh lý rối loạn sắc tố da; xóa hình xăm; trẻ hóa da…

Công nghệ Laser
Hình 2.1: Ứng dụng công nghệ Laser trong thẩm mỹ nội khoa

Có nhiều cách phân loại laser, nhưng trong da liễu, công nghệ Laser được thường được phân loại dựa vào bước sóng ánh sáng, độ rộng xung và thể vật chất của laser. Các mô đích mục tiêu của laser bao gồm: nước, sắc tố màu như đen (melanin), đỏ (hemoglobin), xanh, vàng… (trong các hình xăm nhiều màu).

Mỗi loại tia laser khác nhau khi tiếp xúc với da sẽ có mô đích và độ xuyên sâu khác nhau. Từ đó có tác dụng trị liệu cũng khác nhau. Bác sĩ da liễu và các chuyên gia thẩm mỹ có trình độ sẽ thực hiện trị liệu theo phác đồ hoặc cá nhân hóa phương pháp trị liệu cho từng bệnh nhân để đạt hiệu quả trị liệu tốt nhất. 

Một số ứng dụng phổ biến của công nghệ Laser trong thẩm mỹ nội khoa:

  • Laser mạch máu (hemoglobin): Mô đích sang thương mạch máu là oxyhemoglobin. Đỉnh hấp thu của mạch máu có oxyhemoglobin là 500-600 nm. Vì vậy, hầu hết các loại laser dùng cho sang thương mạch máu có bước sóng nằm trong khoảng này. 
    • Laser xung màu Pulsed Dye Laser (585-595 nm và Laser KTP 532 nm là điển hình dùng để điều trị giãn mạch ở mặt, sao mặt, angioma, và các trường hợp biến dạng mạch máu ở người lớn, trẻ em.
    • Laser Diode 940 nm và Nd:YAG 1064 nm được ứng dụng trong điều trị giãn tĩnh mạch.
Laser mạch máu
Hình 2.2: Laser mạch máu
  • Laser điều trị sang thương sắc tố (melanin): Thời gian xung cực ngắn (xung đặc biệt) của Q-Switch là loại laser lý tưởng cho việc phá hủy chọn lọc sắc tố melanin mà không làm tổn thương các mô xung quanh. Điển hình gồm: Q-Switched Ruby 694 nm, Q-Switched Alexandrite 755 nm, Q-Switched Nd:YAG 1064 nm và Nd:YAG KTP 532 nm. Ứng dụng trong điều trị các bớt ITO, OTA, tàn nhang và café au lait. Lựa chọn loại laser Q-Switched phụ thuộc phần lớn vào màu sắc và độ sâu của sang thương cần điều trị. 
Laser melanin
Hình 2.3: Ứng dụng laser trong điều trị sang thương sắc tố
  • Laser xóa xăm: Mỗi loại mực xăm được hấp thu bằng bước sóng khác nhau nên càng xăm nhiều màu thì càng khó xóa. Việc lấy mực xăm phải dùng các thiết bị có độ dài xung rất ngắn (khoảng vài nano giây). Sự kết hợp của nhiều loại laser là cần thiết để xóa xăm thành công. Laser Q-Switched Ruby 694 nm dùng để xóa màu xanh dương và đen. Laser Q-Switched Alexandrite 755 nm dùng xóa màu xanh dương, đen, đặc biệt là xanh lá. Laser Q-Switched Nd:YAG 1064 nm xóa màu đỏ và rất hiệu quả để xóa các hình xăm chuyên nghiệp. 
Laser xóa xăm
Hình 2.4: Laser xóa xăm
  • Laser triệt lông: Chọn lựa laser cho triệt lông cần dựa vào 2 yếu tố là mật độ, màu lông và da của bệnh nhân. Làm lạnh là chi tiết bắt buộc trong máy laser triệt lông để bảo vệ thượng bì. Laser Alexandrite 755 nm thường được dùng triệt lông mảnh, màu sáng cho người da sáng (type I-III). Laser Diode (800-810 nm) được chỉ định để triệt lông cho tất cả các loại da, tối ưu với lông nhiều, đậm màu. Laser Nd:YAG 1064 nm được chỉ định cho triệt lông ở người có da sậm, lông nhiều. 
  • Laser tái tạo bề mặt: Điển hình là Laser CO2 (10600 nm) và Laser Er:YAG (2940 nm) được dùng để điều trị sẹo mụn, rạn da và các biểu hiện khác của lão hóa da do ánh sáng. 
Laser tái tạo bề mặt
Hình 2.6: Laser tái tạo bề mặt
  • Laser tái tạo da phân đoạn (Fractional resurfacing): Có 2 loại xâm lấn và không xâm lấn. Các thiết bị laser không xâm lấn được chỉ định để điều trị nếp nhăn quanh miệng, mụn, sẹo mụn, tàn nhang, an toàn để lột da mặt. Các thiết bị laser xâm lấn vần còn non trẻ trong thời gian hiện nay, nhưng nổi trội nhất là Er:YAG 2940 nm hoặc fractional yttrium scandium gallium YSSG 2790 nm cho phép xâm nhập sâu hơn, đồng thời tái tạo thượng bì. 
Laser tái tạo da phân đoạn
Hình 2.7: Laser tái tạo da phân đoạn (Fractional resurfacing)
  • Laser pico: Công nghệ Laser tân tiến nhất trong ứng dụng da liễu hiện nay phải kể đến Laser Pico – được công bố vào 2016. Laser Pico với bước sóng kép (Nd: YAG bước sóng 1064 nm và 532 nm và Alexandrite bước sóng 755nm ) trên cùng một hệ thống với chế độ xung pico giây, có thể điều trị hiệu quả các loại màu sắc của hình xăm, sắc tố và trên mọi loại da. Các tác dụng phụ và các tai biến trị liệu được giảm thiểu.
Laser pico
Hình 2.8: Laser Pico

Năm 2022 thiết bị PicoCare Majesty với độ rộng xung 250ps đầu tiên trên thế giới ra đời là bước đột phá trong trong phương pháp tiếp cận trị liệu bệnh lý sắc tố da theo cơ chế quang cơ. Độ rộng xung “True Pico” 250ps được xác định là tiêu chuẩn vàng đối với cách tiếp cận phương pháp trị liệu này. Độ rộng xung nhỏ hơn, công suất cao hơn và hiệu quả quang cơ mạnh hơn.

Sự cải tiến trong độ rộng xung của Picocare_Majesty

Ánh sáng sinh học

Ánh sáng sinh học là sự kết hợp của một hay nhiều ánh sáng trong vùng quang phổ mà mắt thường có thể thấy được (trong khoảng 380 nm đến 700 nm). Trong thẩm mỹ nội khoa, ánh sáng sinh học được ứng dụng trong điều trị trẻ hóa da, giảm viêm trong mụn trứng cá, mau làm lành vết thương, điều trị trứng cá đỏ. Các ánh sáng đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím, mỗi màu sẽ có tác dụng khác nhau trong việc trị liệu các vấn đề về da hay chăm sóc da chuyên sâu. 

Mặc dù an toàn, không cần nghỉ dưỡng, tuy nhiên công nghệ ánh sáng điều trị vẫn có những chống chỉ định trên phụ nữ có thai, bệnh nhân có bệnh lý nhạy cảm ánh sáng như lupus đỏ hệ thống, viêm bì cơ, bạch tạng… Bệnh nhân đang sử dụng thuốc tăng nhạy cảm ánh sáng như Isotretinoin, chlorpromazine, amiodarone…

Ánh sáng sinh học
Hình 2.9: Ứng dụng ánh sáng sinh học trong thẩm mỹ nội khoa

Các công nghệ ánh sáng sinh học được ứng dụng nhiều trong thẩm mỹ nội khoa gồm:

  • Intense Pulsed Light (IPL): Thiết bị IPL là dụng cụ ánh sáng mà khi nhìn và hoạt động tương tự laser nhưng không được gọi là laser thực sự. IPL được chỉ định để triệt lông, điều trị giãn mạch ở mặt, tàn nhang, poikiloderma và trẻ hóa da do ánh sáng. Nhiều thiết bị IPL có thể thay đổi đầu hoặc kính lọc (light filter) để đổi bước sóng trị liệu phù hợp với mục tiêu trị liệu khác nhau. 
  • Diode phát ánh sáng (đèn LED): Hệ thống đèn LED được giới thiệu là phương pháp điều trị trên một vùng da rộng một cách dễ dàng và không đau. Các đèn LED được sử dụng hiện tại gồm: ánh sáng xanh vàng, đỏ, gần hồng ngọc và hồng ngọc. LED thường được chỉ định trong điều trị mụn và trẻ hóa da do ánh sáng. 
  • Photodynamic therapy – PDT (Điều trị quang động): PDT được coi là một phát minh trong chuyên khoa da khi Kennedy giới thiệu là dùng một chất nhạy ánh sáng để điều trị chọn lọc trên da. PDT được chỉ định sử dụng trong điều trị dày sừng ánh sáng ở mặt, lão hóa da do ánh sáng và tăng sinh tuyến.
  • Thiết bị làm căng da: Một trong các thiết bị làm căng da phổ biến nhất là titan (Cutea). Titan phát ra ánh sáng hồng ngoại xung dài từ 1200-1500 nm, khi chiếu không đau, sau điều trị có hồng ban nhẹ nhưng nhanh chóng biến mất sau vài phút hoặc vài giờ. Các thiết bị căng da khác bao gồm loại một cực, hai cực và kết hợp đơn cực và sóng radio hai cực.

Lăn kim vi điểm 

Lăn kim vi điểm (Microneedle) là một phương pháp thẩm mỹ được chỉ định trong điều trị sẹo mụn, rạn da, trẻ hóa da. Phương pháp lăn kim được các bác sĩ da liễu, chuyên gia thẩm mỹ sử dụng nhằm tạo ra tổn thương giả, kích thích tăng cường sản xuất collagen để điều trị sẹo trên mặt, trẻ hóa da cho người bệnh. 

So với Laser Fractional CO2, phương pháp này không mất nhiều thời gian nghỉ dưỡng nên các bệnh nhân không có nhiều thời gian thường lựa chọn phương pháp này để điều trị tái tạo da. Đặc biệt, lăn kim vi điểm không gây hủy lớp thượng bì nên ít gây tăng sắc tố sau viêm, phù hợp cho việc điều trị trên các bệnh nhân da sẫm màu (IV-VI).

Lăn kim vi điểm
Hình 2.10: Ứng dụng lăn kim vi điểm trong thẩm mỹ nội khoa

 Các loại lăn kim vi điểm phổ biến hiện nay:

  • Kim lăn tại nhà: Độ sâu kim thấp hơn 0,15 mm. Điều trị lỗ chân lông to, nếp nhăn nông, giảm tiết bã nhờn, đưa các dưỡng chất chăm sóc da vào sâu bên trong. 
  • Kim lăn dạng con dấu (Derma-stamp): Độ sâu kim 0,2-3 mm. Điều trị các vùng sẹo rời rạc như thủy đậu, các nếp nhăn. 
  • Kim lăn dạng bút (Dermapen): Đầu bút chứa 9-12 kim, giúp điều trị đạt hiệu quả cao hơn cũng như giảm đau. Điều trị các vùng hẹp như mũi, quanh mắt, quanh môi.
  • Derma Frac: Kết hợp vi mài mòn, lăn kim vi điểm, đưa thuốc vào mô sâu và đèn LED. Điều trị lão hóa da, tổn thương da do ánh nắng mặt trời, mụn, lỗ chân lông to, da không đều màu, nếp nhăn nông và sâu, các rối loạn sắc tố và sẹo nông. 
Derma Frac
Hình 2.11: Điều trị mụn bằng phương pháp lăn kim vi điểm – Derma Frac

Ngoài ra, khi kết hợp với những công nghệ thẩm mỹ khác như sóng RF, đèn LED,… lăn kim vi điểm có thêm nhiều chỉ định mà không thêm nguy cơ tác dụng phụ. Đây là một phương pháp dễ thực hiện, không cần đầu tư tốn kém, mang lại hiệu quả cao. 

Sóng vô tuyến

Sóng vô tuyến (RF – Radio Frequency) lần đầu được FDA chấp thuận vào năm 2002. Sóng RF được chỉ định điều trị tình trạng da chảy xệ nhẹ đến trung bình ở cơ mặt, xóa nếp nhăn, nâng cơ, trẻ hóa da với bất kỳ màu da nào. Trị liệu bằng sóng RF tối ưu hiệu quả ở vùng trán (nâng cung mày), dưới mắt, má và cổ (săn chắc làn da và làm giảm nếp nhăn ở cổ). 

Cơ chế hoạt động của sóng RF là làm nóng có chọn lọc lớp trung bì, tạo ra tổn thương nhiệt cục bộ trong khi không ảnh hưởng đến lớp biểu bì. Bằng cách này, các collagen sẽ co lại, làm săn chắc da. Đồng thời, nhiệt cũng sẽ kích hoạt cơ chế tự chữa lành của cơ thể, dẫn đến sản sinh nhiều collagen hơn, giúp lấp đầy các khiếm khuyết trên da như sẹo hoặc nếp nhăn. 

Sóng RF
Hình 2.12: Ứng dụng sóng vô tuyến RF trong thẩm mỹ nội khoa

Trong thẩm mỹ nội khoa, sóng vô tuyến được chia thành 3 loại: 

  • RF đơn cực (Monopolar Radiofrequency): Hệ thống RF đơn cực chỉ có một điện cực hoạt động để đưa dòng điện RF vào, không có điện cực trả về. Phương pháp này thường được sử dụng trong dạng thiết bị cầm tay. Sóng RF được đưa vào vùng da cần điều trị, có khả năng đốt mỡ thừa sâu dưới da. RF đơn cực được ứng dụng trong: xóa nếp nhăn vùng mặt và quanh mắt; nâng cơ vùng cổ, nâng chân mày; điều trị mụn trứng cá; xóa sẹo mụn. 
  • RF lưỡng cực hay RF đa cực (Bipolar Radiofrequency): RF lưỡng cực có dòng điện đi từ một điện cực, thông qua các mô và trở lại một điện cực khác. Các mô trong khu vực điều trị được làm nóng ở mức vừa phải, không mạnh mẽ như RF đơn cực. RF đa cực được ứng dụng để kích thích sản sinh collagen tự nhiên, tạo độ đàn hồi; xóa nếp nhăn; cải thiện tình trạng mụn trứng cá; xóa sẹo mụn; thu hẹp lỗ chân lông, cải thiện đáng kể màu da.
  • RF phân đoạn (Fractional Radiofrequency): Hoạt động bằng cách phát tán (phân đoạn) sóng RF giữa nhiều điện cực, cho phép đốt nóng có chọn lọc ở các lớp sâu của da mà không ảnh hưởng đến mô xung quanh. Điều này có tác dụng duy trì cấu trúc của da trong khi collagen mới đang được hình thành. Có thể sử dụng 1 trong 2 cách: sử dụng điện cực trên da (Fractional RF) hoặc sử dụng các kim siêu nhỏ xuyên qua da để phát năng lượng (Needle RF). RF phân đoạn được chỉ định điều trị vùng da chùng nhão; nâng cơ, làm săn chắc da các vùng cơ thể; giảm mỡ vùng bụng, bắp tay, đùi, hông; xóa nhăn vùng đuôi mắt, rãnh mũi, trán, rãnh cười…

Theo FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ), không có bằng chứng nào cho thấy phơi nhiễm RF làm tăng nguy cơ ung thư ở người, ngay cả ở những người thường xuyên tiếp xúc với lượng RF.

Sóng siêu âm hội tụ

Sóng siêu âm hộ tụ về nguyên tắc thì giống với siêu âm dùng trong y khoa. Tuy nhiên, độ hội tụ cao hơn và tần số năng lượng âm khác với siêu âm dùng trong y khoa. Sóng siêu âm hội tụ được chia làm 2 loại: 

  • Sóng siêu âm hội tụ cường độ cao (high-intensity focused ultrasound – HIFU): dùng sóng siêu âm năng lượng cao. HIFU lần đầu tiên được sử dụng trong y khoa để điều trị các khối u không phẫu thuật. Hiện nay, HIFU được sử dụng để loại bỏ các tế bào mỡ, nhằm làm săn chắc, thon gọn. 
  • Sóng siêu âm hội tụ vi điểm (micro focused ultrasound – MFU): dùng mức năng lượng thấp hơn HIFU để điều trị các lớp nông của da. Dù vậy, MFU có thể tạo ra những điểm nhỏ đông nhiệt (<1 mm3) với nhiệt độ > 60 độ C ở đâu sâu được chỉ định từ 1,5 đến 4,5mm cho vùng mặt và 4,5 đến 12mm cho cơ thể.  Quá trình này không đau, không gây tổn thương cho lớp bì nhú và thượng bì. Hiện nay, MFU được ứng dụng nhằm kích thích da tăng sinh collagen, nâng cơ chảy xệ, giảm những nếp nhăn nhỏ và vết nhăn (lines and wrinkles). 
Sóng siêu âm hội tụ
Hình 2.13: Ứng dụng sóng siêu âm hội tụ HIFU và MFU trong thẩm mỹ nội khoa

Sóng siêu âm hội tụ được sử dụng ngày càng nhiều trong thẩm mỹ nội khoa – trẻ hóa da vì có nhiều ưu điểm và có thể phối hợp với các kỹ thuật khác. Điển hình như sự kết hợp giữa MFU và sóng RF được ứng dụng trong công nghệ trẻ hoá da mới nhất hiện nay. New DOUBLO HIRONIC là thiết bị thẩm mỹ đầu tiên trên thị trường ứng dụng sức mạnh tổng hợp của 2 công nghệ này.

SD cartridge New DOUBLO HIRONIC
Hình 2.14: Đầu trị liệu SD (Synergy Dotting) của New DOUBLO: Tích hợp giữa 2 công nghệ nâng cơ hàng đầu là MFU và sóng RF.

Chất làm đầy

Chất làm đầy (Fillers in aesthetic medicine) là chất được sử dụng nhằm làm mất các nếp nhăn và nếp gấp, làm phẳng sẹo, làm đầy các rãnh và các nếp gấp sâu, cải thiện tình trạng gồ ghề và làm săn da, trẻ hóa da. Các chất làm đầy có thể được phân loại dựa trên nhiều chi tiết: độ nằm sâu của chất làm đầy; thời gian tác dụng; khả năng gây dị ứng; thành phần chất làm đầy; có khả năng gây kích thích. 

Chất làm đầy
Hình 2.15: Ứng dụng chất làm đầy trong thẩm mỹ nội khoa
  • Chất làm đầy tạm thời như: Collagen và HA có thể bị phân hủy và tác dụng kéo dài từ 4-9 tháng. Chúng có tác dụng ngắn, có khả năng đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân và ít tác dụng phụ. Vì vậy, các chất này đóng vai trò là bước mở đầu cho các bệnh nhân mới quan tâm đến việc làm tăng thể tích mô. 
  • Chất làm đầy bán tạm thời như: Mỡ, Radiesse và Sculptra là chất kích thích sinh học một phần và phân hủy sinh học một phần, tồn tại từ 1-3 năm. 
  • Chất làm đầy lâu dài như: Arterfill, Polytetrafluoroethylene đều được FDA chấp thuận để điều trị trong da liễu thẩm mỹ.

Hầu hết các chất làm đầy đều có thể sử dụng đơn độc hoặc kết hợp. Khi kết nối với các quá trình thẩm mỹ khác như tiêm Botox, có thể mang đến hiệu quả và tính ổn định lâu dài, tạo ra vẻ đẹp tự nhiên cho người điều trị.

Botulinum toxin A

Botulinum Toxin là độc tố sinh ra từ vi khuẩn kỵ khí Gram dương Clostridium botulinum, gây ức chế sự phóng thích chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine từ các đầu tận cùng sợi trục thần kinh ngoại biên. Có 7 dạng botulinum toxin khác nhau (A-G), tuy nhiên chỉ có nhóm A và B được sử dụng trên lâm sàng.

Botulinum Toxin A (BoNTA) được bác sĩ nhãn khoa Jean Carruthers người Canada phát hiện ra lợi ích thẩm mỹ – giảm rõ nếp nhăn động ở vùng quanh mắt vào năm 1987. Đến năm 2002, BoNTA được công nhận để điều trị nếp nhăn glabella. Botulinum toxin A hiện nay được sử dụng phổ biến trong điều trị vết nhăn do cử động như cau mày, nhăn trái, đuôi mắt… Điều trị Botulinum toxin A với bác sĩ có chuyên môn là một thủ thuật mang lại sự hài lòng rất cao cũng như nguy cơ biến chứng vô cùng thấp.

Botulinum toxin A
Hình 2.16: Ứng dụng Botox trong thẩm mỹ nội khoa

Căng da mặt bằng chỉ 

Căng da mặt bằng chỉ là phương pháp sử dụng chỉ sinh học có thành phần là PDO (Polydioxanone) hoặc PCL (Polycaprolactone) đặt ở dưới bề mặt da mà không cần phẫu thuật. Kỹ thuật này có tác dụng nâng cơ, kéo căng da mặt, giảm chảy xệ. 

Căng chỉ da mặt
Hình 2.17: Căng da mặt bằng chỉ trong thẩm mỹ nội khoa

Đặc điểm của loại chỉ này là tự tiêu, chỉ tồn tại từ 6-24 tháng, có tính tương thích cao với cơ thể giúp xóa nếp nhăn, tái tạo làn da, giúp da căng mịn từ bên trong. Căng da mặt bằng chỉ phù hợp với những tình trạng da lão hóa ở mức độ vừa phải và trung bình. Khi các sợi chỉ sinh học dưới da được cơ thể hấp thụ trong 6 tháng đầu, các tế bào collagen sẽ tăng sinh tự nhiên, giúp da săn chắc kéo dài tới 1 năm.

Phương pháp này đòi hỏi cao vào tay nghề của bác sĩ. Nhiều bác sĩ da liễu thường kết hợp căng da bằng chỉ với các phương pháp điều trị khác để đạt hiệu quả rõ rệt.

Phương pháp thẩm mỹ nội khoa mới nhất hiện nay

Ngoài 8 phương pháp thẩm mỹ nội khoa phổ biến bên trên, một số công nghệ khi ứng dụng kết hợp với nhau sẽ cho ra hiệu quả toàn diện vượt mong đợi. Điển hình trong những năm gần đây có thể kể đến sự kết hợp của sóng RF+MFU, ứng dụng trong điều trị nâng cơ, xóa nếp nhăn, hiệu quả trẻ hóa toàn diện.

Xu hướng công nghệ nâng cơ trẻ hóa da MFU, vượt trội hơn HIFU
Hình 2.18: Xu hướng công nghệ nâng cơ trẻ hóa da MFU + RF

Thiết bị đầu tiên ứng dụng thành công sự tổng hợp sức mạnh công nghệ RF và MFU là máy nâng cơ New DOUBLO. Là nghiên cứu mới nhất của HIRONIC – tập đoàn dẫn đầu ngành công nghệ thiết bị y tế thẩm mỹ chất lượng cao, New DOUBLO từ khi ra mắt nhanh chóng chiếm được cảm tình của giới chuyên gia.

Thiết bị thẩm mỹ này ghi điểm vì tiên phong trong ứng dụng kết hợp công nghệ MFU và RF, tác động nhiệt mạnh mẽ lên da, kích thích sản sinh các collagen và elastin. Từ đó, giúp hệ thống lưới cơ phát triển, cải thiện tình trạng nhăn nheo, chảy xệ, da dẻ săn chắc, đàn hồi. 

Một số tác dụng phụ không mong muốn khi thẩm mỹ nội khoa

Không có gì là tuyệt đối. Khi điều trị da liễu bằng phương pháp thẩm mỹ nội khoa, vẫn có thể gặp phải những hệ quả không mong muốn. Khi nói về tác dụng phụ của phương pháp này, BSCKI. Trần Ngọc Lĩnh (Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh) đã chia sẻ: 

“Bỏng da nặng có thể gây sẹo do sức nóng của laser IPL, sạm da, mất sắc tố da, nhiễm trùng đặc biệt do tái hoạt virus herpes… Hoặc các trường hợp kết quả không như mong muốn do tình trạng da đã bị hư hại quá mức, hoặc do khách hàng không được tư vấn kỹ nên quá kỳ vọng vào một liệu pháp.

Khuôn mặt như tượng sáp thường hay được mô tả ở những người lạm dụng quá mức các  liệu pháp  trẻ hóa  da bằng Botulinum toxin A và các chất làm đầy. Khi đó, các cơ mặt không còn biểu lộ cảm xúc tự nhiên nữa. Tiêm quá nhiều hoặc không đúng chỗ cũng có thể gây ra những tác dụng không mong muốn, làm ảnh hưởng đến hiệu quả thẩm mỹ trên khía cạnh hình học của mặt cũng như diện mạo của da.”

(trích Tạp chí Sống khỏe, số 02 – Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh)

Thẩm mỹ nội khoa được các tín đồ làm đẹp trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng ngày càng ưa chuộng vì đây hiện đang là xu hướng của y học hiện đại. Người có nhu cầu thẩm mỹ ngày nay không chỉ muốn cải thiện sắc vóc mà còn mong muốn đảm bảo sức khỏe, an toàn. Chính vì vậy, họ đòi hỏi những liệu trình ngắn gọn, tối thiểu xâm lấn với thời gian nghỉ dưỡng ngắn và hạn chế tối thiểu rủi ro. 

Bên trên là tổng quan những điều cần biết về thẩm mỹ nội khoa và các phương pháp thẩm mỹ nội khoa đang trở thành xu hướng làm đẹp hiện nay. 

  1. Victor R.E, Uebelhoer N., Laser-Tissue interactions. Laser in Dermatology and Medicine 2011: 1-21.
  2. Kaufmann J., Laser and light devices. Cosmetic dermatology 2022: 212-220.
  3. Stewart N., Lim A.C. Laser and laser-like devices. Australasian Journal of Dermatology 2013: 54, 173-183.
  4. BSCKII. Nguyễn Thị Bích Liên, Thẩm mỹ nội khoa. Đại cương về Laser và các thiết bị ánh sáng. Nhà xuất bản Y học, 2019. 
  5. Danh sách 104 hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Da liễu, Bộ Y tế, 2017.
  6. Light-Emitting Diodes (LEDs) in Dermatology, Semin Cutan Med Surg, 2008.
  7. BSCKII. Trần Kim Phượng, Thẩm mỹ nội khoa. Sóng siêu âm hội tụ trong trẻ hóa da.  Nhà xuất bản Y học, 2019: 405-407.

Brand: Bemed.vn

Share this post:

2 bình luận về “Thẩm mỹ nội khoa là gì? Các phương pháp thẩm mỹ nội khoa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *