Rạn da là dấu hiệu rất thường gặp, tỉ lệ hiện mắc khoảng 20 – 40% dân số, dấu hiệu lâm sàng đặc trưng là teo da dạng đường thẳng, các đường này vuông góc với trục của lực kéo tác động trên da. Rạn da không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Rạn da được chia thành các nhóm khác nhau dựa trên hình ảnh thương tổn.
- Phụ nữ thường gặp hơn (60-80%) so với nam giới (10-30%).
- Người da trắng và tóc đỏ chiếm tỉ lệ cao hơn những người da màu. Tăng sắc tố chỉ được tìm thấy ở người da màu.
- Rạn da xuất hiện chủ yếu ở trẻ vị thành niên và phụ nữ từ 22 đến 41 tuổi. Rất hiếm khi trẻ sơ sinh và người lớn tuổi.
NGUYÊN NHÂN
- Tăng trưởng nhanh ở tuổi dậy thì
- Mang thai
- Béo phì
- Hội chứng Cushing, hội chứng Marfan
- Thuốc
- Yếu tố di truyền
- Phẫu thuật
LÂM SÀNG
Các giai đoạn của rạn da: ban đầu là các đường giưới hạn rõ, màu đỏ hồng hoặc tím, song song với nhau, chưa có hiện tượng teo da, kéo dài từ vài tháng đến 1 hoặc 2 năm. Sau đó, màu đỏ biến mất và chuyển thành các đường teo da. Số lượng thường nhiều, chiều dài thay đổi từ vài nm đến hơn 20cm, chiều rộng từ vài mm đến vài cm. Các vết rạn vuông góc với trục của lực kéo dãn ra và phân bố theo các đường của Langer. Nang lông và tuyến bã biến mất.
Vị trí thường gặp: hông, bụng và ngực ở phụ nữ; thắt lưng, bên ngoài bắp đùi và hông ở nam giới.
Diễn tiến: mờ dần và thu hẹp dần theo thời gian. Trong trường hợp sử dụng corticoid, các biến chứng nặng nề có thể gặp như phù hoặc loét da.
PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ
Cho đến nay, các phương pháp điều trị rạn da hiệu quả không cao. Do đó, thường kết hợp nhiều phương pháp trong điều trị rạn da.
Thuốc thoa: Các thuốc chứa chất: vitamin A, vitamin E, collagen-elastin hydrolysates, Centella, panthenol, hyaluronic acid, elastin, menthol và allantoin.
Laser không xâm lấn: Pulsed dye laser (PDL) 585nm, Nd: YAG 1064nm, laser excimer 308nm xenon clo-rua (XeCl), laser copper bromide 577nm, laser CO2 10600nm. Ngoài ra, IPL, sóng vô tuyến (RF) và UV cũng đã được sử dụng rong cá nghiên cứu điều trị rạn da.